Người lao động vỡ òa khi được ông giám đốc hứa hết dịch sẽ nhận về làm

Làm từ thiện bằng cái tâm và còn suy nghĩ cho tương lai của những lao động sau ngày giãn cách, ông Môn được rất nhiều người yêu mến, gửi lời cảm ơn.

Trong những ngày TP.HCM siết chặt giãn cách, rất nhiều tổ chức, mạnh thành quân đã cùng nhau chung tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có nhóm thiện nguyện Thiện Nghĩa Đường. Điều đặc biệt của tổ chức này đó là các thành viên trong nhóm chính là giám đốc, trưởng bộ phận nhiều công ty.

 Các thành viên trong nhóm thiện nguyện Thiện Nghĩa Đường đi phát quà cho bà con. (Ảnh: Thanh Niên)

 

Các thành viên trong nhóm thiện nguyện Thiện Nghĩa Đường đi phát quà cho bà con. (Ảnh: Thanh Niên)

Nhóm từ thiện toàn giám đốc

Báo Thanh Niên chia sẻ, người khởi xướng hoạt động này là ông Võ Văn Môn, 43 tuổi, quê Quảng Ngãi, Giám đốc một công ty xây dựng. Khoảng giữa tháng 7, công ty của ông Môn phải tạm đóng cửa do dịch. Thế nhưng thay vì loay hoay tính phương án kinh doanh, ông Môn liền bàn với người anh em ở Quảng Ngãi về việc hỗ trợ người lao động mất việc tại Sài Gòn.

Cụ thể, tại Quảng Ngãi, mọi người sẽ tổ chức làm nước mắm cá ngừ rồi gửi vào TP.HCM cho ông Môn, để tặng kèm một số lương thực, thực phẩm thiết yếu khác. Để chuyển các phần quà đến khu phong tỏa, ông Môn sử dụng 2 chiếc xe bán tải và 1 chiếc xe 7 chỗ. Sau đó, 3 người bạn của ông, đang là giám đốc, trưởng bộ phận các công ty cũng tham gia, lái xe đến từng hộ dân, trao quà cho bà con.

 Ông Môn tự mình lái xe đến các điểm phong tỏa, bà con cần giúp đỡ. (Ảnh: Võ Văn Môn)

 

Ông Môn tự mình lái xe đến các điểm phong tỏa, bà con cần giúp đỡ. (Ảnh: Võ Văn Môn)

Trong quá trình di chuyển, cả nhóm luôn tuân thủ quy định 5K và tự test Covid-19 3 lần/ngày để đảm bảo an toàn.

Ban đầu, vợ ông Môn biết chồng đi từ thiện cũng khuyên can vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm bệnh, nhưng thấy chồng kiên quyết và hiểu rằng đây là điều nên làm nên đến nay, vợ ông vô cùng ủng hộ.

Lời hứa tạo công ăn việc làm khi hết dịch

Nói về kế hoạch hoạt động của nhóm, ông Môn chia sẻ trên Thanh Niên, nhóm không phân biệt đối tượng và không giới hạn số lượng đăng ký nhận quà, chỉ cần không đăng ký 2 đợt liên tiếp. Thời gian đầu, ông không kêu gọi quyên góp, nhưng nhiều đối tác, bạn bè biết chuyện nên luôn âm thầm chuyển khoản.

Chính nhờ sự chung tay ấy mà những suất quà đến tay bà con cứ thế nhiều lên, tới nay đã khoảng 5.000 suất. Mỗi phần quà bao gồm 5kg gạo, 1 hũ cá ngừ hoặc thịt heo, rau củ, sữa.

 Để có giá tốt, vị giám đốc không ngần ngại xuống tận ruộng rau lấy về. (Ảnh: Võ Văn Môn)

 

Để có giá tốt, vị giám đốc không ngần ngại xuống tận ruộng rau lấy về. (Ảnh: Võ Văn Môn)

Trước sự ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần, ông Môn bày tỏ cảm thấy vô cùng trân trọng: “Các anh em không ngại khó khăn đồng hành cùng nhau, hiện tại đã vượt xa mục tiêu ban đầu”, vị giám đốc bộc bạch và tâm sự thêm, chỉ cần nhìn thấy nụ cười hạnh phúc, lắng nghe những câu chuyện của bà con nghèo là bản thân đã cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

Không chỉ giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn mà ông Môn còn sẵn sàng tạo công ăn việc làm cho những người lao động mất việc. Nói rõ hơn, ông chia sẻ, khi nhìn thấy nhóm 3 người thợ hồ của anh N.T.T., 30 tuổi, ngụ quận Gò Vấp thất nghiệp suốt 2 tháng nay, ông thấy rất đồng cảm và hiểu nỗi bất lực của họ. Vì vậy, ông quyết định phải làm điều gì đó giúp cuộc sống của họ tốt lên: “Nếu có nguyện vọng, tôi sẽ nhận các bạn ấy về làm cho công trình của mình khi hết dịch”.

Nhóm thợ hồ nhận quà từ ông Môn. (Ảnh: Thanh Niên)

 

Nhóm thợ hồ nhận quà từ ông Môn. (Ảnh: Thanh Niên)

Về phần anh T., chia sẻ với Thanh Niên, anh cho biết, anh đã nhận được 3 suất quà và 1,5 triệu đồng từ nhóm của ông Môn: “Không thể nói trước nhưng thực lòng rất vui mừng và biết ơn khi ông ấy nhận 3 anh em về làm khi hết dịch”, người thợ hồ phấn khởi.

Vị phó tổng giám đốc và quan tài 1.000 đồng cho người nghèo

Ngoài ông Môn, tại Sài Gòn còn rất nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện đang ngày đêm dành thời gian vì cộng đồng. Báo Tuổi Trẻ đăng tải, những ngày qua, anh Trần Anh Triết (ngụ quận 4, TP.HCM), phó tổng giám đốc công ty đấu giá dầu khí, kiêm giám đốc hợp tác xã vận tải đang dành nhiều thời gian và tâm sức cho công việc thiện nguyện đặc biệt là hỗ trợ hậu sự cho người nghèo.

 Mỗi ngày chuyển quan tài đến hộ dân đang cần giúp đỡ, anh Triết lại ước rằng mình sẽ không phải làm công việc này. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

 

Mỗi ngày chuyển quan tài đến hộ dân đang cần giúp đỡ, anh Triết lại ước rằng mình sẽ không phải làm công việc này. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Anh Triết cho biết, kể từ đầu đợt dịch này, anh và hội bạn bè thân thiết đã cùng nhau quyên góp, tự tạo quỹ mua các phần quà, tặng bình oxy, quan tài mà không nhận tiền từ người lạ. Trong đó, anh Triết và một doanh nhân khác phụ trách việc đưa quan tài đến nhà hộ dân cần giúp đỡ.

Vị phó tổng giám đốc tâm sự, mỗi lần trao quan tài, nhìn người nhà khóc cảm ơn mà anh xót xa vô cùng. Anh chỉ ước rằng mình không nhận được cuộc điện thoại, tin nhắn xin quan tài nào nữa. “Nhiều người thắc mắc sao không cho luôn đi, chứ có 1.000 đồng lấy làm gì. Thật ra là quan tài 0 đồng, nhưng tôi nói 1.000 đồng để thân nhân người mất không cảm thấy mắc nợ mà thôi”, anh Triết lý giải.

 Một khu vực bị hạn chế đi lại tại TP.HCM. (Ảnh: VnExpress)

 

Một khu vực bị hạn chế đi lại tại TP.HCM. (Ảnh: VnExpress)

Có lẽ chính những trái tim nhân hậu ấy như ông Môn, anh Triết mà bức tranh Sài Gòn những ngày này trở nên ấm áp hơn rất nhiều. Hi vọng rằng, tinh thần ấy sẽ là động lực tiếp thêm sức mạnh để bà con cố gắng vượt qua giai đoạn này.

Đức Dương – Theo Thể Thao & Văn Hóa

Nguồn: http://yan.thethaovanhoa.vn/nguoi-lao-dong-vo-oa-khi-duoc-ong-giam-doc-hua-het-dich-se-nhan-ve-lam-275467.html

Sao chép

TIN TỨC